...... ...  

 

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Thực Tại Mới Đòi Hỏi Giải Pháp Tiếp Cận Toàn Diện


Bài viết của Tsering Tsomo, Báo Phayul, ra ngày 25 tháng 6, 2010

Pháp Hạnh dịch

Tokyo, Nhật Bản - Trong thế kỷ trước, nhiều quốc gia nhỏ đã bị kẹt trong vòng xoáy của bạo lực và đổ máu để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia của mình.  Thay vì giải quyết các vấn đề của con người, phương cách này gieo rắc nhiều thêm mầm mống cho bạo lực trong tương lai.
 

Tuy nhiên, ở thế kỷ 21, nhân loại phải đối mặt với một thực tại mới làm cho các quốc gia khó lòng có thể duy trì trạng thái cô lập và chỉ tập trung vào lợi ích nhỏ hẹp của mình.  Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói như vậy khi trao đổi với hơn 100 sinh viên đại học và các nhà giáo dục từ 20 trường đại học và cao đẳng khác nhau tại Khách Sạn Grand Intercontinental Hotel ở quận Yokohama, thành phố Tokyo chiều nay.
 

Ngài nói, “thực tại mới này đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các xung đột và vấn nạn hầu có thể đạt đến hòa bình và hạnh phúc không chỉ ở cấp độ cá nhân mà còn ở cấp độ toàn cầu”. "Thúc đẩy lợi ích chung giúp thúc đẩy lợi ích cá nhân."
 

Ngài cho biết khái niệm Phật giáo về sự phụ thuộc lẫn nhau trong đó nhấn mạnh việc áp dụng các quan điểm toàn diện có thể được áp dụng cho hàng loạt các vấn đề từ sự hâm nóng toàn cầu và nền kinh tế toàn cầu cho đến các vấn nạn gia đình và cá nhân lành mạnh. Khi ta nhìn vấn đề chỉ với nhãn quan khiếm diện và bỏ qua những thành phần vốn tạo thành tổng thể của vấn đề đó, thì ta không thể mong đợi nhìn nhận vấn đề với một cách tiếp cận thực tế. "Nếu bạn suy nghĩ ở tầm mức toàn cầu thì nó giải tỏa hơn nhiều hơn là với suy nghĩ ở mức độ hẹp hòi."
 

Bày tỏ hy vọng của mình cho một thế giới hòa bình hơn, Ngài nói con người đang trở nên trưởng thành hơn về khái niệm chiến tranh và tâm linh. Trong giữa thế kỷ 20, đã có nhiều cạnh tranh giữa các quốc gia để phát triển vũ khí hạt nhân. Trong phần sau của thế kỷ, cuộc khủng hoảng về đạo đức luân lý đã khiến có nhiều người tìm kiếm sự bình an tâm hồn hơn sau khi nhận thức được rằng phát triển vật chất có những hạn chế riêng của nó.
 

Các quốc gia lớn như Mỹ và Liên bang Nga đang nghiêm túc xem xét việc giảm kho vũ khí hạt nhân của họ. Tinh thần đằng sau việc thành lập Liên minh Châu Âu nhấn mạnh tầm quan trọng của lợi ích chung trên lợi ích quốc gia. Những tiến triển này, theo đức Đạt Lai Lạt Ma, là một khích lệ về khả năng có một thế giới tốt đẹp hơn. Ngài nhớ lại một nhận xét từ vị Hoàng Thái Hậu đã băng hà của Anh Quốc.  Vị Hoàng Thái Hậu kể rằng rằng khi còn trẻ, bà chưa từng biết về quyền con người và quyền tự quyết, vậy mà giờ đây chúng đã trở thành những giá trị phổ quát.
 

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng hạnh phúc và hòa bình không phải đảm bảo chắc chắn là sẽ đạt được, nhưng rất tốt để hy vọng và hướng tới việc đạt được những lý tưởng ấy. "Hy vọng là điều tốt lành bởi vì hy vọng duy trì sự sống" Mất hy vọng làm giảm thiểu tự thân cuộc sống, mang con người vào trầm cảm, cô đơn và thậm chí tự tử.. "Cơn giận liên tục hay oán hận ăn mòn hệ miễn nhiễm của chúng ta."  Điều này đã được chứng minh rất nhiều bởi các nghiên cứu khoa học gần đây.  Các nghiên cứu này cho thấy một tâm trí lành mạnh dẫn đến một cơ thể khỏe mạnh.
 

Tất cả các truyền thống tôn giáo nhấn mạnh tầm quan trọng của tính trung thực, lòng nhân ái, sự ngay thẳng và hành vi minh bạch để đạt được một cuộc sống hạnh phúc.  Ngài cho rằng mặc dù các phương pháp có thể khác nhau, bản chất của chúng thì giống nhau. Ngay cả Đức Phật, ý thức được tâm ý khác nhau giữa các vị đệ tử của mình, đức Phật đã diễn bày các triết lý sai biệt để tránh bất kỳ cách tiếp cận hay quan điểm cố hữu nào.  Nếu một người trung thực trong các giao tiếp của mình với người khác, thì người này không cần che giấu bất cứ điều gì, không có chỗ cho đạo đức giả, hay lừa dối. Những điều "đạo đức thế tục này" (secular ethics) đều là điểm chung của tất cả các tôn giáo và là cơ sở phát triển "các giá trị nội tại" (inner values), từ đó giúp các phe phái giải quyết xung đột trong tinh thần đối thoại và hoà giải. Vì vậy, tất cả các tôn giáo có tiềm năng giống nhau để giúp nhân loại vun trồng những giá trị nội tại. "Sự giàu có nội tại (inner wealth) của bạn là người bạn tốt nhất của bạn."
 

Nói về khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo, Ngài cho rằng sự khác biệt này này đã tạo ra thặng dư lớn trong các quốc gia giàu có hơn, nhưng lại gây thiếu ăn và chết đói ở các nước nghèo hơn. "Đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng trên phương diện đạo đức, mà là cuộc khủng hoảng trên thực tế bởi vì những vấn đề này có thể được giải quyết".  Ngài khen ngợi các sáng kiến được thực thi bởi các tổ chức phi chính phủ như Ngân hàng Grameen, có trụ sở tại Bangladesh, được thành lập bởi một người thắng giải Nobel Hòa bình, Tiến sĩ Muhammad Yusuf.  Ngân hàng này cung cấp các khoản vay nhỏ cho người nghèo trong việc tạo ra công ăn việc làm cho chính họ. Cách tiếp cận cho vay tín dụng nhỏ này hiện đang được các nước khác làm theo để chấm dứt đói nghèo.
 

Ngài nhớ lại một cuộc gặp gỡ mà ngài đã có với một doanh nhân giàu có từ Bombay (Ấn Độ).  Doanh nhân này đến để xin Ngài ban phước lành. "Tôi bảo ông ấy rằng nguồn gốc của phước lành là từ nơi chính tự thân.  Nếu ông có thể dành một phần nhỏ lợi nhuận của mình để giúp hàng ngàn cư dân khu ổ chuột trong thành phố của mình. Đó là cách tốt nhất để có được phước lành. "
 

Ông Akira Ikegami, một nhà bình luận chính trị nổi tiếng của đài truyền hình Fuji TV, người điều phối buổi nói chuyện của đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết người trẻ Nhật Bản có thể học hỏi từ cách tiếp cận vấn đề bằng lòng tốt, hòa bình và bất bạo động của đức Đạt Lai Lạt Ma. "Ngài chính là Gandhi của thời đại chúng ta."
Yoshiki Toda, 22 tuổi, sinh viên năm cuối tại Đại học Tokyo và cũng là một Phật tử, cho biết buổi gặp gỡ với đức Đạt Lai Lạt Ma đã cho anh một cách nhìn khác về vấn đề môi trường. "Tôi đang trong quá trình nghiên cứu để viết luận văn về vấn đề môi sinh toàn cầu và tôi sẽ xem làm thế nào triết lý Phật giáo ăn khớp được với bài viết phần lớn là đề tài khoa học này."
 

Mika Kikuchi, 21 tuổi, là sinh viên tại đại học Sophia College. Cô kể cho đức Đạt Lai Lạt Ma nghe về chuyến viếng thăm Dharamsala và bày tỏ là cô bị quyến rũ bởi "những nụ cười không tắt" của người tị nạn Tây Tạng, những người mà mặc dù đã trải qua khoảng thời gian khó khăn, nhưng trông họ vẫn rất hạnh phúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng không phải chỉ có đức tin không thôi mà còn do tập tục văn hóa của người Tây Tạng, vốn từ khi sanh ra đã được dạy dỗ biết cách nhìn ra mặt tích cực của mọi vấn đề và khó khăn. "Một số người Tây Tạng dù không có bất kỳ kiến thức sâu sắc nào về kinh điển Phật giáo, nhưng nói chung họ rất hạnh phúc.  Một phần là do di sản văn hóa của họ trong đó nhấn mạnh lòng từ bi cho tất cả chúng sinh."

 

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà