...... ...  

 

 

Lợi ích

từ việc tích lũy phước đức

 

Thích Phước Đạt

 

            Bạn thực sự có khát vọng trở thành người giàu có và sống vui vẻ, hạnh phúc, an lạc trong đời sống hiện tại, cũng như tương lai thì ngay từ bây giờ hãy nhanh chân đầu tư vào ngân hàng "Phước đức". Một địa chỉ đầu tư vô cùng an toàn, lãi suất không chỉ đong đếm bằng các giá trị vật chất thông thường mà còn có cả giá trị làm thăng hoa đời sống tâm linh.

          Ngay từ thời Đức Phật còn hiện hữu, Ngài đã khuyến cáo từng cá nhân hãy nỗ lực thực thi làm các việc công đức bằng cả sự nhiệt tâm, tinh cần để đem lại lợi ích lớn. Bạn nên nhớ một việc làm thiện tâm dù rất nhỏ, nhưng hiệu quả tốt đẹp của hành động đó có tác động rất lớn đối với nhiều người.

          Xem ra, sự tích lũy các giá trị về công đức về việc làm, lời nói, ý nghĩ của thân khẩu ý sẽ tạo cho bạn một gia tài "Phước đức" để thọ hưởng, nếu hữu dư thì con cháu và những người khác kế thừa. Đây chính là ngân hàng "Phước đức" mà không ai khác hơn, mỗi cá thể đều có khả năng đầu tư, dù bạn là ai, đang sống ở đâu, đang làm gì, thu nhập ra sao, tuỳ theo khả năng đầu tư các công hạnh hữu ích mà có lãi suất thu nhập "phước đức" cho chính mình. Rõ ràng, "phước đức" không phải tự nhiên mà có, đó là cả quá trình đầu tư của mỗi cá thể trong việc thực thi đời sống tu tập tự thân hướng nội, sống đúng Chánh pháp và làm các việc hữu ích cho đời. Giống như một khu vườn, nếu bạn không đầu tư chăm sóc từ việc gieo hạt, bón phân, và thực hiện các công đoạn khác, thì chẳng bao giờ tận hưởng được hương thơm quả ngọt tốt lành.

          Cho nên, bạn phải nhanh chân đầu tư vào ngân hàng "Phước đức" ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần bạn có ý thức tự nguyện tinh tấn làm các việc phước lành thì sẽ có hiệu quả ngay. Bằng cách, thông qua việc nỗ lực thực hành 6 pháp Ba la mật mà Đức Phật từng khuyến cáo, bất cứ ai muốn thực hiện đời sống hướng nội và thực thi hạnh nguyện Bồ tát độ mình và cứu đời thì có thể trở thành nhà đầu tư hữu ích nhất của xã hội. Đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Sáu phương thức thực thi đầu tư "Phước đức".

          Bố thí là phương thức hữu hiệu nhất mà bất cứ ai hiện sống trên cõi đời này đều có khả năng thực thi được. Cho dù bạn là người sở hữu tài sản kếch xù, hay là kẻ bần cùng đều có cơ may thực hành hạnh nguyện đó. Có ba cách bố thí, chia sẻ những khổ đau với người khác: bố thí tài sản vật chất, bố thí pháp, bố thí sự vô úy.

          Rõ ràng, không có ai có thể không thực thi một hình thức bố thí nào đó. Dù bạn đang lâm vào tình trạng khánh kiệt, thất nghiệp cũng có thể bố thí, chia sẻ những nỗi đau túng thiếu, mất mát của người khác hiện còn tệ hơn mình, hay có thể giúp vào các việc công ích bằng sự bố thí, dù nhỏ nhặt, nếu người ấy khao khát được thực hiện. Ngay cả một người hoàn toàn không thể làm được vậy, người ấy cũng có thể có ích cho người khác và xã hội bằng cách phát tâm phục vụ.

          Một người có kiến thức, trí tuệ về lãnh vực chuyên môn nào đó cũng có thể dạy hay dẫn dắt người khác trong trường hợp người ấy không có tiền hay yếu kém về thể chất. Nói chung, người có hoàn cảnh khó khăn cũng có thể thực hiện sự bố thí pháp, như chỉ bảo người ta đi nghe pháp, hành pháp từ một vị giảng sư nào đó.

          Một phương thức đầu tư ngân hàng "Phước đức" được bạn thể hiện nữa, bằng cách thực thi việc sống đúng các nguyên tắc giới luật, luật lệ được cộng đồng, tổ chức, xã hội định chế. Điều tối thiểu bạn cần nhận thức rõ là khi tự thân sống đúng Chánh pháp thì không chỉ cá nhân mình an lạc mà còn tác động đến ngưới khác theo chiều hướng đưa đến sự bình an, hạnh phúc; ngược lại sẽ dẫn đến khổ đau cho chính mình và đưa đến sự bất an, thậm chí gây tổn thương đến người khác. Tính tích cực của việc trì giới là phục vụ mọi người trong khát vọng ai cũng được an lạc. Càng thể hiện nhiều điều thiện lành thì bạn càng nâng cao mình lên và có khả năng phục vụ người khác hiệu quả nhiều hơn.

          Phương thức thể hiện thứ ba cho việc đầu tư phước đức là thể hiện hạnh nguyện nhẫn nhục. Tính tích cực của sự nhẫn nhục trong mọi môi trường, hoàn cảnh sống là phát triển đức hạnh độ lượng. Chúng ta sẽ không còn giận dữ hay trách mắng người khác khi không vừa ý với chính mình. Nếu bạn không có hạnh nguyện nhẫn nhục, nhẫn nại hay độ lượng trong những tình huống như thế, hẳn sẽ gây khổ đau cho mình và người khác.

          Phật từng dạy, một niệm sân khởi lên thì sẽ đốt cháy rừng công đức. Do đó, thực thi phương thức đầu tư này bạn sẽ có nhiều phước đức do tâm trí thanh thản, không còn có các cảm thọ về giận dữ và thù ghét những người gây tổn thương, sỉ nhục hay phản bội mà còn ra sức giúp đỡ họ nữa. Trên hết, bạn không bị dao động tâm lý trước sự vui buồn đối đãi mà chỉ biết yên lặng tỉnh thức để đưa ra quyết định chính xác lợi mình lợi người. Trạng thái tâm thức này là đỉnh điểm của sự tu tập nhẫn nhục, làm hóa hiện lòng từ bi đem đến hạnh phúc cho con người và hòa bình thế giới.

          Tinh tấn là điều kiện cần và đủ để tạo ra phước đức. Tinh tấn đoạn tận các điều bất thiện chưa sanh, đừng cho chúng phát sinh và cả khi chúng đã sanh thì dứt khoát từ bỏ. Đồng thời bạn tinh tấn làm các điều thiện chưa sanh làm cho chúng hiện hành và cả lúc chúng phát sinh rồi thì làm cho thăng hoá nữa. Điều quan trọng, bạn phải nỗ lực làm các việc công đức dù là chuyện nhỏ nhất cũng không thể bỏ qua, kiên tâm phụng sự lý tưởng hạnh nguyện của mình.

          Thiền định là sự đầu tư phước trí song tu, vô cùng quan trọng đối với một người hướng tâm tu tập giải thoát. Chúng ta không chỉ nỗ lực thực hành giáo lý nhà Phật mà còn biết nhìn sự vật bằng một cái tâm tĩnh lặng và suy nghĩ về sự vật đúng đắn. Sự quyết định đúng đắn để giải quyết vấn đề có thể đem lại những giá trị công ích và huân tập sự phước đức càng nhiều hơn.

          Phương thức cuối cùng để đầu tư là trí tuệ. Bạn sẽ giải quyết mọi vấn đề không trọn vẹn nếu không trí tuệ rọi chiếu. Đơn cử, bạn gặp người đang đau đớn quằn quại vì thiếu thuốc, vì lòng thương hại mà bạn bố thí ít tiền thì thật sai lầm. Điều quan trọng là bạn phải hướng họ đi vào trường cai nghiện, thì việc làm ấy mới đem lại giá trị hữu ích đối với người đó. Xem ra, trí tuệ là nhân tố quan yếu đi đến sự thành công của con người.

          Thực thi các phương thức đầu tư như thế, bạn sẽ là người trở nên người giàu có và hạnh phúc an lạc đời này và đời sau nhờ sự tích luỹ và lợi nhuận từ ngân hàng "Phước đức". Trường hợp vị Sa di thay vì chết yểu, chỉ còn được sống trong bảy ngày trở nên trường thọ là nhờ phước đức cứu sống đàn kiến khi trên đường trở về nhà. Có người nhờ bố thí ngọn đèn sáng, nhân đó mà cả nhà đoàn tụ. Một ngọn đèn của người phụ nữ nghèo đã thắp sáng trí tuệ mọi người, nhờ nhân thiện lành đó mà gặp được người giàu có, cho nên phước báu đến không ngừng… và nhiều trường hợp khác còn hơn thế nữa như sử sách kinh điển ghi lại. Còn chờ đợi gì nữa, hỡi bạn, mà không mạnh dạn đầu tư!

 

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà