...... ...  

 

 

Nắm tay giữa phố

 

Đỗ Thiền Đăng

1- Buổi chiều. Thành phố chuyển mưa. Mây mù vần vũ và gió thổi ràn rạt trên những ngọn cây già. Một chút hỗn loạn, một chút ồn náo, hối hả - xe cộ ào ào cố chạy trước cơn mưa…

Đi làm về trên con đường Điện Biên Phủ buổi chiều hôm đó, tôi cũng đã chấm phá thêm cho bức tranh náo động và hối hả của thành phố bằng những cái rú ga tăng vọt, cố vượt qua được càng nhiều người càng tốt. Ai cũng muốn sớm về nhà, được khô ráo trong tổ ấm với một tách trà, hay đơn giản hơn là ngồi lắng nghe bản nhạc mưa không-bình-yên bên ngoài phố xá!

Chợt, giữa cơn thác người vội vã, tôi bắt gặp một hình ảnh lạ lùng đến phải giảm ga và ngoái đầu nhìn lại: bên lề đường, thật chậm rãi, một đôi vợ chồng (tôi nghĩ thế) đang nắm tay nhau bước đi bình yên giữa những cơn gió giật, giữa những đồng loại đang đua nhau tuôn chạy; tay trái anh khẽ khàng nắm lấy tay trái chị, còn tay kia choàng nhẹ qua vai một cách âu yếm. Anh áo thun tay trần; chị áo len tay dài cổ lọ, váy xám dài chấm tận gót chân, tấm khăn choàng màu xám phủ lấy đôi vai gầy gò và chiếc lưng thon nhỏ. Cái mạnh mẽ, cứng cáp của anh càng làm cho chị trở nên yếu ớt, mong manh. Bức tranh ấy, thật tương phản với một bức tranh nổi tiếng thời Phục hưng - chàng trai choàng tay qua eo cô gái chạy trong mưa, cái khăn choàng phất phới trên đầu không che được tình yêu nồng nàn của họ - bởi lẽ, trong bức tranh hiện thực, cô gái (người vợ) đang rất ốm yếu vì bệnh, bước chân chập chững như một đứa trẻ vừa mới tập đi. Nhưng hình ảnh đó còn đẹp hơn hình ảnh của bức tranh cổ: đẹp vì một tình yêu tận tụy!

2- Nhìn họ, tôi bỗng quay quắt nhớ…Dharamsala - một vùng núi thuộc Hy Mã Lạp Sơn, Ấn Độ. Ba năm trước, tôi thuê một căn phòng nhỏ và sống tại đây suốt bốn tháng cạnh căn phòng của một đôi vợ chồng trẻ - anh người Tây Tạng, tên Sonam; chị người Nhật, tên Miyuki. Sonam lực lưỡng, khỏe mạnh bao nhiêu thì Miyuki lại ốm yếu, bệnh tật bấy nhiêu. Sonam thường ra ngoài làm việc cả ngày - anh bán tranh thangka cho một shop nhỏ gần ngôi chùa Namgyal nổi tiếng. Còn Miyuki thường xuyên ở nhà. Mỗi sáng, cô dậy sớm nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, phơi phóng đồ đạc, sau đó pha một tách trà sữa rồi ngồi miệt mài làm việc với chiếc laptop trên chiếc giường sắt kê ngoài hành lang. Nhưng đó là những hôm Miyuki khỏe mạnh, còn không thì cô đóng kín cửa cả ngày chờ đợi Sonam trở về.

Mà Miyuki thì lại hay bệnh, nên tuần nào tôi cũng thấy Sonam về sớm dìu cô đi bốc thuốc. Hình ảnh Sonam khẽ nắm lấy tay Miyuki, tay kia choàng qua vai cô, cùng đi chầm chậm trên phố khiến tôi xúc động lạ thường. Thỉnh thoảng, Sonam lại mời các vị sư về nhà tụng kinh cầu an cho vợ; các vị sư chúc phúc, choàng những chiếc khăn trắng katak lên cổ cô, gương mặt cô xanh xao mà rạng ngời hạnh phúc.

Những khi rảnh rỗi, tôi thường bắt chuyện với Miyuki. Lúc nào tôi chào "How are you?", Miyuki cũng đều trả lời "good" hay "very good", bất kể cô có khỏe hay không!

Miyuki cho biết, lúc còn ở Nhật, cô là một giáo viên trung học. Sau khi biết mình mắc một chứng bệnh nan y, cô quyết định đến Dharamsala, nơi ngụ của Đức Dalai Lama, để làm từ thiện, học thiền và tìm hiểu văn hóa Tây Tạng. Tại đây, cô gặp gỡ Sonam và hai người quyết định đến với nhau bằng một lễ cưới nho nhỏ. Quả là nhân duyên tiền định, vì trước khi đến với cô, Sonam đã muốn hiến dâng đời mình cho cuộc sống tu viện. Hai người giao ước với nhau rằng, đời sống hôn nhân của họ sẽ không đem lại những đứa con. Sau 15 năm, Sonam sẽ vào chùa và Miyuki trở lại Nhật Bản - dĩ nhiên là nếu cô vẫn còn mạnh khỏe và sống được đến ngày đó…

Bấy giờ, họ sống với nhau đã được ba năm!

3- Sáng nay dậy sớm. Phương Đông trời vừa ửng hồng. Tôi lên ban công hít thở bầu không khí trong lành và tập mấy động tác thể dục cơ bản. Bên sân thượng nhà hàng xóm, một đôi vợ chồng già đang tập dưỡng sinh. Động tác của bác trai thật nhuần nhuyễn; bác gái thì hơi lóng ngóng, vừa tập vừa nhìn chồng, lắng nghe những lời nhắc "xoay, trái, phải…". Họ đều đã bước qua cái tuổi cổ lai hy song vẫn giữ được tình cảm quấn quýt, nồng nàn của đôi tình nhân đôi mươi, khiến cho mọi người đều ngưỡng mộ.

Một buổi sáng thật bình yên! Bác trai dìu bác gái xuống chiếc cầu thang xoắn ốc, cẩn thận đến từng bước chân. Dáng khập khiễng của bác gái trông như bác ấy đang bị đau khớp nặng. Rồi hai người cầm tay xuống phố, bước chậm rãi trên vỉa hè chật chội. Từng bước, từng bước. Như những bước thiền hành…

Tôi trở vào phòng, theo thói quen đầu ngày, đọc lướt những trang tin tức trên mạng, chợt chú ý đến bài viết mà ngày thường tôi không bao giờ để mắt tới: những đại gia Trung Quốc săn vợ có tướng "vượng phu" để làm tăng thêm sự may mắn cho mình… Hàng ngàn cô gái đã nộp đơn dự tuyển, với hy vọng sẽ lấy được người có khả năng "đủ cung cấp cho họ cuộc sống sung túc suốt đời".

Đọc và buồn. Bởi, nếu không may người chồng sa cơ thất thế, hay người vợ đau yếu bệnh tật (như những phụ nữ tôi đã kể trên), thì liệu họ có được an ổn chăng, hay lại bị ruồng rẫy, chối từ? Đời vô thường, ai biết…Từng có cô vợ than rằng, kể từ 10 năm sau ngày cưới, cô chưa hề nhận được một nụ hôn nào từ chồng, nói chi đến những sẻ chia cộng nghiệp - là duyên, là nợ - của cả hai người…

Vợ chồng giữa phố nắm tay. Thật quý hiếm!

 

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà