...... ...  

 

THỰC HÀNH TỪ THIỆN

THEO MƯỜI ĐẠI NGUYỆN CỦA

ĐỨC PHỔ HIỀN BỒ TÁT

 

Pháp Hạnh

 

“Phần hương nhứt niệm pháp không vương.

Đại hạnh đồng tham biến kiết tường.

Sát hải trần thân thi diệu lực.

Trầm kha chướng nghiệp tổng an khương.”

 Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ

 

  Hội Từ Thiện Phật giáo Phổ Hiền (HTTPGPH) mang tên một vị Bồ Tát có “hành động lớn”.  Bồ Tát Phổ Hiền có 10 hạnh nguyện rộng lớn cứu độ và giác ngộ chúng sanh.  Ngài thực hành 10 hạnh nguyện này với vô số quyến thuộc để lợi ích cho đời.  Chúng ta cũng vậy, muốn lợi ích chúng sanh phải phát nguyện rộng lớn nơi tự tâm và có những người cùng tâm nguyện với mình trên bước đường từ thiện.  Đức Bồ Tát Phổ Hiền thị hiện với voi trắng 6 ngà an nhiên tự tại nhưng đầy uy nghiêm đi vào cuộc đời để lợi ích chúng sanh.  Lấy hình ảnh đầy bi, trí, dũng này, HTTPGPH được thành lập để nương nhờ thần lực của bồ tát Phổ Hiền mà tu học chuyển hóa và làm lợi ích cuộc đời.  Để làm được việc này, chúng ta cần phải áp dụng được 10 hạnh nguyện lớn của Ngài trong cuộc sống hằng ngày.  Hãy cùng nhau chiêm nghiệm và tìm ra phương cách áp dụng mười hạnh nguyện thù thắng này trong đời sống và trong sứ mạng từ thiện xã hội. 

          1.  Lễ kính chư Phật (Venerating all Buddhas): tức là thành tâm quy kính nương tựa nơi Phật bảo, là đấng phước trí vẹn toàn và tình thương không bờ bến.  Phật dạy mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, tức là đều có hạt giống Phật trong tâm.  Vậy, lễ kính chư Phật còn có thể hiểu trong ngôn ngữ hiện đại là TÔN TRỌNG THA NHÂN.  Tôn trọng mỗi mỗi con người, tôn trọng mỗi mỗi mạng sống, và giúp người cơ hội phát huy Phật tánh sẳn có của mình.  Trong phạm vi gia đình không thôi, nếu con cái tôn trọng cha mẹ và ngược lại, cha mẹ tôn trọng con cái, thì mọi người đều được hạnh phúc và có nhịp cầu cảm thông.  Khi đi ủy lạo, thành viên của Hội Từ Tế (do Ni Sư Chứng Nghiêm lãnh đạo) chấp tay cung kính cúi chào người nhận.  Cử chỉ này giúp cho người nhận phát huy phẩm giá của mình mà nổ lực vượt qua khó khăn.  Vì vậy, Hội Từ Tế không những chi giúp người nghèo mà còn chuyển hóa họ trở thành những vị mạnh thường quân trong tương lai.  Chúng ta nên học theo phương pháp này của Hội Từ Tế trong công tác cứu trợ và từ thiện của mình.

2.  Xưng tán Như Lai (Praising the Thus Come One-Tathagata): Như Lai là đấng Giác Ngộ.  Đấng đi vào thế giới khổ đau từ cảnh giới chân như thanh tịnh.  Ta xưng tán Như Lai là ngợi khen, tri ân, và cung đón sự đến của Ngài với chúng ta.  Nếu chúng ta ca ngợi đức Như Lai được, mà không ca ngợi được những đức tính tốt nơi tha nhân thì chúng ta chưa thành tựu được hạnh nguyện xưng tán Như Lai.  Trong các kinh, đức Phật thường hay khen ngợi “hay thay, hay thay” với đệ  tử của Ngài.  Ban tặng lời khen chân thành không giả dối xu nịnh cho tha nhân là giúp họ PHÁT TRIỂN LÒNG TỰ TIN.  Không có lòng tự tin thì làm sao một người dám bước lên hành trình chuyển hoá chính mình.  Cha mẹ mà khen ngợi con cái thì con cái sẽ tiếp tục làm những việc tốt.  Thầy Tổ mà khen ngợi đệ tử thì đệ tử sẽ nỗ lực tu học.  Lãnh đạo mà khen ngợi nhân viên là giúp cho nhân viên thấy được điểm mạnh của mình...Khen ngợi giúp cho người phát hiện được chân như Phật tánh tiềm ẩn trong họ.  Khen ngợi người cũng giúp ta bỏ tâm kiêu căng, coi mình là nhất.  Được khen ngợi, tha nhân có lòng tự tin hăng say làm việc Đạo. 

3.  Quảng Tu Cúng Dường (Offering universally): là dâng cúng lên ngôi Tam Bảo.  Phật dạy cúng dường phải hội đủ 5 phần (ngũ phần hương): 1/ hương của giới (kỷ luật), 2/ định (an trụ), 3/ huệ (trí tuệ giác ngộ), 4/ giải thoát (vượt qua mọi chướng ngại), và 5/ giải thoát tri kiến (cái nhìn thoáng rộng, không phân biệt ta và người, không chấp trước).  Lại nữa, Phật dạy, phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật; vì lẽ đó, chúng ta tu học theo Ngài Phổ Hiền là phụng sự chúng sanh theo tinh thần ngũ phần hương (làm việc trong tinh thần kỹ luật, tương kính, làm việc với tâm an trụ và vui vẻ, làm việc có tổ chức và khoa học, làm việc với tinh thần phục khó, và cuối cùng, làm việc với tinh thần không suy tính vụ lợi, không khởi tâm cao ngạo.  Chúng ta “quảng tu cúng dường” bằng cách PHỤNG SỰ THA NHÂN .

4.  Sám Hối Nghiệp Chướng (Repenting unwholesome deeds): thân chúng ta đã gây ra nhiều nghiệp chẳng trọn lành (unwholesome), lời nói chúng ta đã gây nhiều đau khổ buồn giận cho người, ý chúng ta đã mưu đồ bao gian kế.  Những nghiệp chướng đó từ vô thủy cho đến nay chồng chất tạo ra thân mạng và hành động ngày hôm nay.  Chúng ta nhất tâm xin sám hối.  Sám hối bằng cách thân làm những việc thiện, miệng nói những lời an ủi đến tha nhân, và ý nghĩ suy những điều tốt đẹp, những phương chước giúp đời.  Sám hối nghiệp chướng là CHUYỂN HÓA NGHI ỆP XẤU.

5.  Tùy Hỷ Công Đức (Rejoicing in the good deeds of others): Là vui với niềm vui của người, vui với việc thiện của người, và cùng nhau làm việc thiện đem an vui lợi lạc cho quần sanh.  Tùy hỉ công đức có thể diễn dịch theo ngôn ngữ hiện đại là biết HỢP TÁC CÙNG NHAU LÀM VIỆC THIỆN.  HTTPGPH kêu gọi các cá nhân và nhóm nhỏ đang làm công tác từ thiện cứu tế khắp nơi cùng làm việc với nhau.  Nếu làm việc chung, mỗi cá nhân, mỗi nhóm vẫn giữ nguyên tình trạng của mình, nhưng có chung những phương tiện và sự hỗ trợ cần thiết.  

6.  Thỉnh Chuyển Pháp Luân (Petitioning the Dharma Wheel to be turned): khi đức Thế Tôn thuyết bài pháp đầu tiên, Ngài đã so sánh nó như là chuyển bánh xe.  Bánh xe đưa chiếc xe tình thương và trí tuệ chuyên chở chúng sanh đến nơi an toàn.  Bánh xe chánh pháp xoay chuyển mở ra không gian của tình thương rộng lơn .  Mời thỉnh chư Phật chuyển bánh xe chánh pháp là xin Phật khai triển Pháp giới cho chúng sanh nương trú.  Chúng ta cùng nhau mời gọi bao con tim mở rộng tình thương tạo nên một thế giới nhân bản và mẫn cảm hơn với nỗi đau của tha nhân. Thỉnh chuyển pháp luân là MỞ RỘNG VÒNG TAY TỪ ÁI.

7.  Thỉnh Phật Trụ Thế (Pleading Buddha to remain in the world): tất cả những việc làm của chúng ta sẽ thiếu chân chánh nếu không có sự hướng đạo của Phật tánh.  Khi không nương theo Phật tánh thì mọi sự dù tốt trên hình thức cũng dễ dàng thành ma sự.  Chúng ta thỉnh Phật hiển hiện sáng ngời trong tâm ta và hướng dẫn ta trên con đường Bồ Tát Đạo.  Thỉnh Phật trụ thế cũng là thỉnh những vị Phật tương lai đến với chúng ta.  Những thiện nguyện viên, bảo trợ viên là những vị Bồ Tát cùng chung sức với Hội Từ Thiện Phổ Hiền xoa dịu nổi đau của tha nhân và giúp họ hành trang và công cụ Phật pháp để thành công trên đường đời.  Thỉnh Phật trụ thế vì vậy là LÀM VIỆC VỚI PHẬT TÂM HẰNG HỮU TRONG SÁNG.

8.  Thường tùy Phật học (Persistent in pursuing the Path): Trên bước đường thực hành Bồ Tát Đạo, chúng ta luôn trao dồi giáo lý về Tình thương, Lòng vị tha, và Tâm giác ngộ.  Khi làm việc nhiều, chúng ta dễ sao lãng việc thực tập và dễ bị rơi vào tâm lý giãi đãi, lệ thuộc vào người khác.  Thường tùy Phật học là tự giác nổ lực VUN BỒI HẠT GIỐNG PHẬT.

9.  Hằng thuận chúng sanh (Flexibly and skillfully helping all sentient beings): Bồ Tát hằng thuận chúng sanh bằng cách hóa hiện ra vô sô thân hình khác nhau cho phù hợp vơi hoàn cảnh và địa vị của họ để giáo hóa và cứu trợ chúng sanh.  Cũng như vậy, hành giả và thiện nguyện viên của Phổ Hiền trong mọi hình sắc và vai trò của mình, không phân biệt giàu nghèo, địa vị, đều có thể dấn thân làm lợi ích an vui cho người.  Hằng thuận chúng sanh là TRIỂN KHAI PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO.

10.  Phổ Giai Hồi Hướng (sharing merits universally): Hồi hướng là mang ra san sẻ phước báo của mình đến muôn loài. Trong Phật giáo, phước báo đóng vai trò quan trọng.  Phước báo có hữu lậu và vô lậu.  Chẳng hạn như làm việc thiện, bố thí cúng dường, thì sanh nhân giàu sang, nhưng được giàu sang rồi mà không lo tu thì cũng bị sa đọa .  Hồi hướng là chia sẽ phước báo đến người.  Khi chúng ta giàu mà xung quanh chỉ toàn những người nghèo, thì thử hỏi có vui gì? Khi đó, loạn tặc sẽ khắp nơi, ai ai cũng nơm nớp lo sợ, môi trường bị ô nhiễm, dù giàu mà vẫn phải hít bụi bặm và uống nước ô nhiễm thì đâu phải là hạnh phúc hoàn toàn .  Hồi hướng là đem công đức mà mình tạo được gieo duyên lành để tương lai có một cuộc sống an lành sung túc biết hướng thiện, làm lành, và luôn giữ được tâm Bồ Đề.  Hồi hướng còn là bỏ tâm tham chấp muốn giữ hết phước cho mình hay chấp thấy đo lường công quả hơn thua.  Hồi hướng là tạo ra pháp giới rộng lớn cho mình trong hiện tại và mai sau, là SỐNG VỚI TÂM RỘNG RÃI

          Tóm lại, 10 nguyện lớn của đức Phổ Hiền là kim chỉ nam hướng dẫn đời sống tu học và làm việc cho Hội Từ Thiện Phật Giáo Phổ Hiền.  Nó cũng là chìa khóa để đi đến hạnh phúc và giải thoát cho mình và cho người.  Chúng ta hãy thể nghiệm 10 hạnh nguyện này trong cuộc sống và Phật sự từ thiện xã hội để mang an vui lợi lạc đến cho mình và người.

 

Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát

 

Trở về trang bài vở

 

 

 

Trở về trang nhà