ĐẠO HIẾU
Thích Nguyên Chơn
Hàng năm cứ mỗi độ thu về, lòng người con hiếu đạo lại bâng khuâng nhớ về mùa báo hiếu hai đấng sinh thành. Thật vậy, cứ đến Rằm tháng Bảy, không ai bảo ai mọi người đều tự mình nhớ nghĩ đến công ơn sâu dày của cha mẹ để lo báo đáp. Vì rằng: “Cây có cội, nước có nguồn. Phàm làm người ai chẳng có mẹ cha”. Cho nên, báo hiếu đã trở thành trách nhiệm và bổn phận của mỗi con người.
Tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây, bất cứ dân tộc nào tinh thần hiếu đạo luôn luôn đặt lên hàng đầu. Như trong kinh Đức Phật dạy: “Hiếu vi vạn hạnh chi tiên”. Việt Nam ta tự hào về đất nước bốn ngàn năm lịch sử, văn hiến lâu đời, người dân luôn biết giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, và chúng ta càng tự hào hơn nữa khi thấy rằng trong suốt quá trình phát triển lâu đời ấy, bất cứ nhà nào cũng có bàn thờ để thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ hay những người thân đã qua đời. Tục ngữ có câu rằng:
“Cây có cội mới đơm hoa kết trái
Nước có nguồn mới toả khắp rạch sông.”
Để trở thành một con người hoàn bị, vui sống với cuộc đời, chúng ta đã thọ vô vàn ơn sâu nghĩa nặng mà trong đó ân đức của hai đấng Nghiêm - Từ là cao vời hơn cả. Trước hết xin hãy dành cho mẹ, Người đã “chín tháng cưu mang, ba năm nhũ bộ” nhọc nhằn nuôi dưỡng chúng ta từ tấm bé. Khi chúng ta biết nằm nôi, mẹ hóa thành ca sĩ ru cho chúng ta những khúc hát yêu thương đầu đời. Mẹ đã trao cho chúng ta trái tim biết rung động và yêu thương con người. Và cũng từ cái thuở nằm nôi ấy mà có biết bao thi sĩ, nhà thơ hay anh tài lỗi lạc đã phát tiết tinh hoa từ những lời ru ầu ơ…mộc mạc ấy của mẹ. Đức Từ của mẹ luôn trào dâng lai láng như suối nguồn bất tận. Mẹ nuôi chúng ta từ dòng sữa ngọt ngào và trái tim yêu thương vô bờ bến của người. Mẹ lo cho đàn con thơ dại từ miếng ăn, giấc ngủ “dành cho con các cuộc thanh nhàn”, cho con những gì cao đẹp nhất, tốt đẹp nhất, còn riêng mình chịu phần đắng cay. Mẹ thương con vì con chính là máu, là thịt của người. Đối với mẹ, con là núm ruột, là hy vọng, niềm vui mà cũng là lẽ sống. Chính vì thế, mẹ vui trong niềm vui của các con, mà khổ đau cũng vì con. Dù chúng ta có khôn lớn bao nhiêu nhưng dưới mắt mẹ chúng ta vẫn chỉ là những đứa con vụng dại luôn luôn cần sự chăm sóc và chở che của người. Đúng là “Mẹ thương con biển hồ lênh láng”, như suối nguồn chảy mãi chẳng vơi. Nếu “Nước mắt của chúng sanh tràn đầy cả bốn đại dương” như trong Kinh Phật dạy thì có lẽ ba phần lệ ấy đã dành riêng cho những người mẹ hiền khóc thương con mình rồi. Và nếu như tình yêu nam - nữ là tình cảm song phương đắp đổi tình yêu và hạnh phúc thì tình mẹ dành cho con luôn đơn phương, vì “Mẹ nghĩa là cho đi mà chẳng đòi lại bao giờ”. Nói về mẹ thì không có bút mực nào tả xiết, chúng ta không biết có bao nhà thơ đã viết về mẹ, nhưng đây là những hình ảnh đáng nhớ nhất:
“…Có lần tôi thấy một bà già
Đưa tiễn con đi trấn ải xa
Tàu chạy lâu rồi bà vẫn đứng
Lưng còng, đổ bóng xuống sân ga”
(Những bóng người trên sân ga)
hay:
“Nắng mưa từ những ngày xưa
Lặng trong đời mẹ bây giờ chưa tan…
Cả đời đi gió đi sương
Bây giờ mẹ lại lần đường tập đi”
(‘Mẹ ốm’ Trần Đăng Khoa)
Làm sao chúng ta có thể tìm kiếm một tình yêu đích thực như tình yêu của mẹ dành cho con cái, vì tình yêu ấy bắt nguồn từ trái tim yêu thương vô bờ bến, bản chất của nó vốn vô điều kiện, vượt xa tình yêu bình thường, nó hàm chứa không chỉ tình thương mà còn bổn phận triệt để đối với con cái suốt cả cuộc đời của mẹ.
Rồi thời gian thắm thoát thoai đưa, chúng ta khôn lớn nên người, nhưng đối với mẹ: “Nuôi con càng lớn mẹ càng lo thêm”. Mẹ lo lắng cho đường đi, nước bước của các con, sợ các con sớm vấp ngã trước phong ba bão táp của cuộc đời. Lo dựng vợ gả chồng cho các con ổn định bề gia thất. Chính vì thế ca dao đã ví von:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo, gậnh ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con thi trường học mẹ thi trường đời.”
Nếu tình mẹ bộc bạch rõ nét thành hành động bên ngoài, luôn luôn vỗ về chăm sóc yêu thương bằng đức Từ vô hạn, thì tình cha luôn kín đáo, thâm trầm, nghiêm nghị và sáng suốt. Y học chứng minh rằng người cha đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền thụ cho con cái những tinh anh cứng cõi, khí chất mạnh mẽ quyết định trong việc tạo nên vóc nên hình của người con. Bằng sức lực lao động cần mẫn cha đã nuôi gia đình và con cái. Có cha bên con như có thêm sức mạnh; uy thế và địa vị hay chính cuộc sống của cha là điểm tựa vững chắc để con vươn lên phía trước.
“Còn cha gót đỏ như son
Đến khi cha chết gót con đen sì
Còn cha nhiều kẻ yêu vì
Một mai cha thác ai thì nuôi con!”
(Ca dao)
Bằng đức Nghiêm cha sẵn sàng trị phạt khi con cái lầm lỗi để con không sa vào cơn lốc của trò đời. Cha dạy chúng ta bằng lý trí, uốn nắn chúng ta theo luân thường đạo lý, nâng chúng ta lên những tầm cao mới. Cha trao cho chúng ta ý chí và nghị lực để đứng vững giữa cuộc đời đầy cạm bẫy này.
“Biển Đông có lúc đầy vơi,
Chớ lòng cha mẹ suốt đời trào dâng.”
Công ơn cha mẹ sâu dày như thế. Là người con Phật chúng ta làm gì để báo đền thâm ân ấy. Trong kinh Phật dạy: “Giả sử có người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, suốt đời như vậy không dừng nghỉ, lại cung cấp cha mẹ đồ ăn đồ mặc, thuốc thang, hết thảy các món cha mẹ cần dùng. Như vậy cũng chưa đủ để báo đáp thâm ơn sâu dày của cha mẹ”. Theo tinh thần hiếu đạo, khi còn thơ ấu thì chúng ta phải biết hiếu kính, vâng lời ông bà cha mẹ, thi đua học hành thật tốt, thường xuyên thân cận, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ. Đức Phật dạy: “Sanh đời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật". Truyện kể rằng xưa có ông Dương-Phủ người rất mực chí hiếu. Nghe đất Thục có vị cao tăng tên là Vô Tế nên muốn qua đó để tham học. Nhưng khi đi được nửa đường thì gặp một vị Tăng, hỏi ông đi đâu. Ông nói lên ý muốn của mình. Vị Tăng liền dạy ông nên quay về không cần tìm Phật đâu xa, trong nhà đã có Phật rồi. Vị Tăng dạy: Ông cứ đi về nhà thấy ai mang dép trái thì người ấy là Phật. Nghe lời, Dương-Phủ đi về. Vì trời đã khuya, nên khi nghe con trở về, người mẹ già lật đật, vội mang trái dép, thấy thế Dương-Phủ hiểu được lời dạy của vị Tăng. Từ đó ông chăm lo phụng dưỡng mẹ già đến cuối đời. Lại nói về truyện Hàn Bá Du dù lớn nhưng mỗi lần bị lỗi lầm đều bị mẹ đánh nhưng không bao giờ khóc. Một lần nọ ông cũng bị lỗi và bị mẹ bắt nằm xuống đánh nhưng lần này ông khóc thật to. Người mẹ ngạc nhiên hỏi vì sao lại khóc. Ông giải thích mẹ vì những lần trước mẹ đánh mạnh ông cảm thấy rất đau nên biết mẹ còn khoẻ, còn lần này mẹ đánh không đủ đau nên ông biết mẹ đã yếu, vì thương mẹ già yếu mà ông khóc. Thật là một tấm gương chí hiếu để chúng ta noi theo. Lại nữa, Lão Lai Tử sống cuối thời Xuân Thu tuy tuổi đã trên bảy mươi nhưng vẫn thường mặc áo ngũ sắc vận rơm, nhảy múa làm trò cười như trẻ con cốt làm cho cha mẹ cười vui. Và cũng từ sự hiếu hạnh đó mà ngày nay không kể người Trung Hoa, Việt Nam ta mà còn một số nước Phật giáo khác có phong tục mặc đồ tang trắng, lưng thắc đai rơm để tỏ sự hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đức Phật trong các kiếp quá khứ đã từng róc xương tuỷ của mình để nuôi song thân khi hoạn nạn, thì huống hồ gì hàng phàm phu nghiệp trọng phước khinh như chúng ta há không báo đáp thâm ơn ấy! Báo hiếu không phải đợi đến khi cha mẹ qua đời rồi mới lo báo đáp mà ngay trong hiện đời này chúng ta phải thể hiện bổn phận của mình, nếu không thì chúng ta sẽ bị tiếng đời miệt thị như câu ca dao dưới đây:
“Sống thì con chẳng cho ăn
Chết thì xôi thịt làm văn tế ruồi”
Hơn thế nữa, ngày nay chúng ta được khôn lớn nên người, có gia đình hạnh phúc có con cái để thương yêu. Chúng ta nuôi nấng con cái chúng ta khó nhọc như thế nào thì ngày trước cha mẹ đã khổ nhọc nuôi nấng chúng ta cũng như vậy. Nên ca dao rất ý nhị khi dạy:
“Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.
Càng yêu thương con cái thì chúng ta kính yêu cha mẹ, cố gắng phụng dưỡng. Truyện kể rằng có hai vợ chồng phụng dưỡng cha già. Vì người cha già mắt mờ, tay run nên thường hay để chén tuột tay xuống đất, vỡ. Thấy vậy, vợ khuyên chồng nên đẻo một cái chén bằng muỗng dừa để cha già dùng, lỡ có rớt thì khỏi vỡ. Người chồng nghe lời vợ làm chén bằng sọ dừa cho cha mình. Người con nhỏ thấy vậy, cũng bắt chước làm một cái chén bằng sọ dừa. Thấy thế, người cha ngạc nhiên hỏi. Con làm chén đó để làm gì? Đứa con ngây thơ trả lời: "con làm cái chén bằng sọ dừa này để sẵn, để một mai cha già như ông nội, chân tay run rẫy thì con cho cha đựng cơm ăn như cha đã cho ông ăn vậy". Người cha nghe đến thế giật mình và kể từ đó không dám cho cha mình ăn cơm bằng chén muỗng dừa nữa. Vì thế, cổ nhân đã khéo léo dạy:
“Nếu mình hiếu thuận mẹ cha,
Chắc con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì uổng công.”
Nếu chỉ dừng lại ở tinh thần hiếu đạo thế gian thì chưa đủ, mà đã là người con Phật chúng ta phải hiểu rõ về về phương pháp báo hiếu đúng chánh pháp. Hiện tại chúng ta nên nỗ lực tu tập để hồi hướng công đức cho cha mẹ. Nếu cha mẹ chưa biết quy kính Tam Bảo để gieo trồng phước duyên, thì chúng ta phải hướng cha mẹ quy y Tam Bảo, thọ ngũ giới, nghe chánh pháp để có một đời sống tinh thần an lạc ngay trong hiện đời. Một mai cha mẹ qua đời, noi gương hiếu hạnh của Ngài Mục Kiền Liên, chúng ta thiết lễ trai Tăng cầu siêu cho cha mẹ. Vì sao phải mời chư Tăng chú nguyện, vì trong kinh Phật đã dạy: “Như tảng đá dù nặng trăm cân, nhưng nhờ sức lực của nhiều người khiên, thì dời đi đâu mà chẳng được”. Từ thời Đức Phật còn tại thế, các thầy tỳ kheo đã phát đại nguyện cứu độ chúng sanh, nguyện lực đó được duy trì cho đến tận bây giờ và mai sau đã tạo một nguyện lực thâm sâu, chỉ có sức chú nguyện ấy thì mới tiêu nghiệp chướng cùng những oan khiên nhiều đời của cha mẹ đã vì chúng ta mà tạo các ác nghiệp. Nếu là người Phật tử thì việc báo hiếu đã trở thành bổn phận làm đầu, bằng ngược lại chúng ta không những đã đi ngược tinh thần hiếu đạo của người con Phật mà còn trái với truyền thống báo ân của thế gian.
Nói tóm lại, báo hiếu là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người. Tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện mà thể hiện tâm hiếu hạnh. Đức Phật đã dạy: “Cùng tột của điều thiện không gì hơn hiếu, cùng tột của điều ác không gì hơn bất hiếu”. Càng học hỏi, nghiên cứu, nghe giảng dạy chúng ta càng hiểu hơn về ân nghĩa sanh thành. Vậy mỗi người hãy thể hiện tinh thần hiếu đạo ấy để mỗi chúng ta đều là những người con hiếu hạnh, là những đoá hoa ngát hương giữa vườn hoa muôn sắc thắm.