...... ...  

 

 

Một Vị Đại Sư Tây Tạng viên tịch

sau khi đã trụ trong thiền định 3 ngày

và 3 giờ từ lúc hơi thở đã chấm dứt

English version

Long Beach, California - sau đây là bài lược dịch tổng hợp tin tức từ trang nhà của Trung Tâm Phật Giáo Tây Tạng Thubten Dhargye Ling tại Long Beach, California, Hoa Kỳ về sự viên tịch đầy huyền diệu của đại sư viện chủ Geshe Tsultim Gyeltsen.

 

Đại sư  Geshe Tsultim Gyeltsen hoàn thành viên mãn thiền tịnh quang

 

Vào khoảng 4 giờ chiều nay, Đại sư đã biểu hiện trạng thái hoàn mãn nhập định trong ánh sáng trong sạch (tịnh quang) và rời bỏ xác thân.  Thời khắc này xảy ra khi chư Tăng và một vài đệ tử của Ngài đang thực hiện một khóa lễ.  Các vị thầy hầu bên nhục thân của Đại sư nhận ra dấu hiệu là Ngài đã thâu thần và rời huyễn thân.  Khi đó, tất cả chư Tăng trong trung tâm được cung thỉnh lên tầng trên để thực hiện nghi lễ cần thiết.  Ngay sau đó, một cầu vòng kép xuất hiện che phủ bầu trời phía đông bắc của chùa.  Như vậy là Đại sư đã trụ trong trạng thái thiền tịnh quang khoảng 3 ngày và 3 giờ đồng hồ.  Nhục thân của Ngài vẫn giữ nguyên trạng không thay đổi trong suốt thời gian này.

Nguồn: http://www.tdling.org

Một số môn đồ của Đại sư không có mặt trong chùa lúc đó đã kể lại rằng họ tình cờ đi ra ngoài đường và thấy cầu vòng bảy màu xuất hiện.  Ai ai đều cảm thấy kinh ngạc và cùng có suy nghĩ đây chắc hẳn có liên quan đến Đại sư.  Nhiều người nhận định là có sự khác thường to lớn về cầu vòng này, đặc biệt là tầm cỡ và sự rõ ràng của nó.  Chư Tăng được kể lại là nhiều người đã ra khỏi nhà chỉ để chứng kiến và bình luận về cảnh sắc tuyệt đẹp này.

Được biết trước khi Đại sư viên tịch, đức Đạt Lai Lạt Ma và các vị Lạt Ma khác đã gọi điện thăm hỏi Đại sư.  Đặc biệt, một phước báo vô lượng là một phái đoàn của chư tăng Tu Viện Ganden Shartse từ miền nam Ấn Độ du hóa và hoằng pháp tại Hoa Kỳ đang trú ngụ tại chùa (xin xem thêm chi tiết ở trang nhà www.gadenshartsetour.org)

Chư Tăng trong đoàn hoằng pháp này đã cử hành tất cả các nghi lễ truyền thống cần thiết của Phật giáo Tây Tạng dành cho Đại sư.  Các nghi lễ cầu nguyện theo Phật giáo Tây Tạng sẽ tiếp tục được thực hiện tại Trung Tâm Thubten Dhargye Ling tại Long Beach để cầu nguyện cho sự mau chóng hồi nhập Ta bà và cứu độ chúng sanh của Đại sư.

 

Chiêm bái nhục thể của Đại Lão Hòa Thượng Geshe Tsultim Gyeltsen

 

Công chúng có thể chiêm bái nhục thân của Đại sư Geshe Tsultim Gyeltsen tại:

Nhà Quàn McKenzie Mortuary Services
3843 East Anaheim St.
Long Beach, CA 90804
(562) 961-9301
www.mckenziemortuary.com

Vào ngày thứ tư, 18 tháng 2, năm 2009

Từ 5 đến 7 giờ tối

Xin ghi nhớ là vì thời gian có hạn và số lượng môn đồ đông đảo, ban tổ chức tang lễ của Đại sư kêu gọi mọi người chỉ dành vài giây để cho phép mọi người có cơ hội được chiêm bái. 

Pháp Hạnh lược dịch 

Chùa Ở Nam Cali Thỉnh Xá Lợi Đại Sư Geshela Về An Vị

Pháp Khí Kim Loại Thiêu Chảy, Chỉ Mắt, Lưỡi, Tim Thành Xá Lợi Kiên Cố
 

Hình ảnh và bài viết: LÊ PHÚC VÀ LƯU KIM CHI

(Theo Việt Báo, thứ Bảy ngày 21 tháng 3 năm 2009)


 

Hình 1:

Cố Đại Sư Geshela chụp với học trò là thầy Kusho, vị Tăng Việt Nam đang tu học tại Tu Viện Gaden Shartse bên Ấn Độ. (ảnh Lê Phúc)

Hình 2:

Cố Đại Sư Geshela, cũng Sư Cô Tenzin Kacho thăm viếng Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác tại Chùa Việt Nam Los Angeles. (Hòa Thượng Thích Mãn Giác viên tịch vào thứ Sáu 13 tháng 10 năm 2006. (ảnh Lê Phúc)


Hình 3:

Chư Tăng Tây Tạng và Phật tử đang cầu nguyện trước di ảnh và Xá Lợi của Geshela trong chánh điện của Tu Viện Thubten Dargye Ling ở Long Beach. (ảnh Lê Phúc)
 

Vào lúc 10 giờ rưỡi sáng Chủ Nhật ngày 15 tháng 3 năm 2009 vừa qua, một buổi lễ cung nghinh Xá Lợi của cố Hòa Thượng Đại Sư Tái Sinh Geshela Tsultim Gyeltsen, cũng là vị Tu viện trưởng của Tu Viện Thubten Dhargye Ling (TDL), rước về từ Ấn Độ, để nhập và an vị trong Tu Viện TDL ở Long Beach.


Lễ cung nghinh Xá Lợi của Geshela được tổ chức rất trang trọng theo nghi thức Phật giáo Tây Tạng và được sự tham dự của rất nhiều đệ tử của Ngài và các Phật tử từ mọi nơi.


Bình Xá Lợi, gồm xương sọ có hiện ra những chữ Phạn (tác giả chưa có dịp để hỏi các chư Tăng Tây Tạng về ý nghĩa), cặp mắt, lưỡi, và tim của Đại Sư Geshela được cung nghinh vào chánh điện của tu viện, xong được đưa lên thẳng phòng của Đại Sư. Nơi đây tất cả Chư Tăng Ni của tu viện làm lễ cầu nguyện. Sau đó, Xá Lợi được đưa trở lại chánh điện và được an vị trên ngai pháp, mà lúc sanh tiền Geshela thường ngồi giảng pháp, để tiếp tục lễ cầu nguyện. Sau lễ cầu nguyện, đại chúng được đảnh lễ và cúng dường khăn taka trắng cho Xá Lợi của Ngài.


Có những Phật tử đến để dự lễ cầu nguyện và cúng dường Xá Lợi của Đại Sư Geshela, dù họ chưa có cơ duyên gặp Ngài lúc còn sanh tiền. Họ chỉ biết đến Ngài qua hình ảnh tang lễ, tuy thế, họ vẫn đến tu viện tham dự lễ cung nghinh Xá Lợi với tâm chân thành và sự kính trọng tuyệt đối.


Tenzinla là vị đại diện của tu viện có lời yêu cầu mọi người đừng gởi hình ảnh Xá Lợi của Geshela lên mạng internet. Nếu ai vẫn cứ làm điều đó, người đó nên biết trước là sẽ có những khó khăn, có thể xảy ra cho họ, vì các hộ thần bảo vệ Xá Lợi sẽ thi hành nhiệm vụ. Tu viện cũng sẽ giữ Xá Lợi của Geshela toàn vẹn và đầy đủ mà không chia xớt ra từng phần nhỏ.


PHÁP NGAI CÒN ĐÂY MÀ GESHELA ĐÃ VẮNG BÓNG


Tuy hàng đệ tử của Geshela thấu hiểu việc sinh tử là lẽ thường và khi vô thường đến thì phải ra đi, nhưng sự viên tịch của Đại Sư Geshela của Tu Viện TDL đã để lại một sự trống vắng lớn và nhiều cảm xúc sâu xa.


Geshela khi còn sanh tiền và xuyết suốt qua quãng đời dài hoằng pháp độ sanh của Ngài, Geshela đã là một vị thầy hướng dẫn tâm linh khả kính của bao đệ tử và Phật tử khắp nơi trên thế giới. Ngài đã độ vô lượng vô số chúng sanh có căn lành với Tam Bảo, kể cả sau khi Ngài thâu thần thị tịch. Nếu kể cho rõ hơn về vấn đề độ sanh và các công tác từ thiện, Geshela đã cưu mang, bảo bọc và cấp dưỡng cho vô số các viện mồ côi, các cô nhi, các viện nuôi người tàn tật, các viện dưỡng lão, v.v... trong bao thập niên trở lại đây.


Bởi lẽ đó, sự viên tịch của cố Đại Sư Geshela là một sự mất mát to lớn và khó có thể thay thế. Học trò của Geshela ở khắp nơi thương tiếc và nhớ Thầy vô vàn. Có người, trong nỗi quay quắt, chỉ muốn lăn ra khóc cho dịu bớt cơn đau trong lòng. Có người cố giấu giọt nước mắt thương cảm và lòng hoài niệm trong tâm.


Trong nỗi nhớ Thầy khôn nguôi đó, dường như sự hiện diện của Xá Lợi trên ngai pháp đã đem lại sự ấm áp thân thương cho nhiều đệ tử của Ngài. Từng góc cạnh một, dường như có ánh mắt từ bi nhưng đầy hóm hỉnh và nụ cười hiền hòa của Geshela như đang tặng cho những người đã đến với Ngài với tâm chân thành và lòng cung kính.


CÓ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT SINH TỬ


Geshela đã dạy chúng ta bài pháp nào với sự viên tịch của Ngài?
Đó là bài pháp căn bản và có thể thực hành được, nếu chúng ta suy nghiệm tức là "TƯ" và thực hành, tức là "TU".


Geshela đã dùng cả cuộc đời tận tụy không mệt mỏi, hoằng pháp độ sanh, để chỉ cho chúng ta một điều, đó là: có một con đường giải thoát khỏi sự sinh tử, do sự tu tập miên mật các lời dạy của Đức Thế Tôn, và đồng thời trưởng dưỡng tâm từ bi với pháp giới chúng sanh vô biên.


Geshela thân chứng rằng Ngài đã đi trên con đường giải thoát đó, và Ngài đã đến nơi điểm đến. Con đường giải thoát đó bao giờ cũng có sẵn và hiển bày đến tất cả chúng sanh. Còn việc quyết định có bước vào con đường tu tập để giải thoát, là quyền riêng của từng người. Geshela đã từng dạy rằng hãy sống cuộc đời của anh thế nào mà trong những giây phút cận tử, anh tự biết là mình không làm điều gì sai quấy trong đời. Bởi thế, trong tang lễ của Ngài, Geshela để lại nhiều dấu hiệu cát tường cho thấy Ngài có thể đã sạch các lậu và đã nhập Niết Bàn vô dư. Nhưng bên cạnh đó, Geshela cũng để lại vài điềm báo trước là Ngài sẽ trở lại cõi Ta Bà này, để tiếp tục hạnh độ sanh. Đó có thể là hạnh nguyện cứu độ chúng sanh mà Geshela đã và đang thực hiện.


VẪN MONG GESHELA THỊ HIỆN TRỞ LẠI CÕI TA BÀ


Đại Sư Kyabje Kensur Lati Rinpoche, là cựu tu viện trưởng Tu Viện Gaden Shartse, cũng là đương kim Giảng Sư cho các bậc Tăng Tái Sanh, từ Ấn Độ, đã viết một bài kệ để cầu nguyện cho cố Đại Sư Geshela sớm tái sanh lại cõi Ta Bà này.
Bài kệ có 9 đoạn ngắn, rất cảm xúc và đầy sự trìu mến yêu thương, dốc lòng cầu nguyện cho sự mau sớm tái sanh của Geshela trở lại cõi Ta Bà. Đây là trích đoạn ngắn:


"Xin Thầy mau sớm tái sanh lại,
Như một nguồn ánh sáng Phật pháp mới,
Do nơi tâm từ bi vô biên của Thầy,
Vì Thầy không nỡ bỏ rơi chúng con nửa vời."
"Xin Thầy mau sớm trở về cương vị của Thầy tâm linh,
Với Trí Tuệ, lòng Từ Bi và sự Tận Tụy,
Cùng Chánh Kiến, Thiền Định và Phẩm Hạnh,
Thầy tạo duyên lành cho các đóa sen nở rộ,
Vì Thầy đang trao truyền Pháp bảo đến chúng con.


LỜI KẾT


Với những lời cầu nguyện chân thành, và với lòng hồi hướng công đức đến tất cả pháp giới chúng sanh, nguyện xin thỉnh Đại Sư Geshela sớm nhập cõi Ta Bà ngũ trược và xin thỉnh Ngài trụ thế để thỉnh chuyển pháp luân.
 

Lưu Kim Chi
Ngày 17 tháng 3 năm 2009

 

Một số hình ảnh kỷ niệm của Đạo Tràng Pháp Hoa

 và Hội Từ Thiện Phật Giáo Phổ Hiền với

Đại sư Geshe Tsultim Gyeltsen

"...Rời chùa Phật Tổ, đoàn hành hương lên đường đến chùa Phật giáo Tây Tạng Thubten Dhargye Ling cũng tại thành phố Long Beach.  Tại đây, một phước duyên lớn cho đoàn là ngài Đại Sư Viện Trưởng Geshe Tsultim Gyeltsen, một trong những vị trưởng lão của Phật Giáo Tây Tạng, quang lâm chánh điện đọc kinh cầu an và ban bố thời pháp ngắn cho đoàn hành hương.  Ngài cũng ân cần trao khăn quàng khata theo truyền thống Tây Tạng cho quý sư cô và Phật tử.  Không khí trang nghiêm trong ngôi chùa Tây Tạng cùng với sự có mặt của vị thánh Tăng đã làm Phật tử hành hương hết sức hoan hỉ và ngưỡng mộ.  Ngài hoà thượng viện trưởng cũng ban phước lành bằng phương cách để tay lên đầu cho quý Phật tử.  Ai ai cũng đón nhận niềm an lạc và thanh tịnh từ ngài.  Chùa Tây Tạng cũng có các tôn tượng và tôn ảnh chư Phật, Bồ Tát, tổ sư của truyền thống Mật tông Tây tạng, cũng như Mạn Đà La được kiến tạo bằng cát màu và Pháp toà của đức Đạt Lai Lạt Ma.  Sư cô Hoa Tâm sau đó đã hướng dẫn đoàn xướng tụng lễ Tam Bảo, cúng dường, và đảnh lễ tri ân đại sư..."

Nguồn: http://www.hoituthienphohien.com/2008pics/hanhhuong2008.html  

 

Từ bi thương tưởng đến Phật tử

Khuyến tấn chư Ni tu học

 

 

Đại Sư Tây Tạng Gyeltsen Viên Tịch Tại Nam California

Nguồn: www.vietbao.com

Ngài Geshe-la và các cầu vồng hào quang khi ngài ra đi.
 

LONG BEACH, California (VB) - Một vị đại sư Tây Tạng, người có nhiều nhân duyên với Phật Tử Việt Nam, đã viên tịch tại Long Beach hôm 13-2-2009, và đã để nhiều biểu hiện cát tường dị thường, làm nhiều người ở các khu phố  Long Beach rủ nhau ra xem cầu vồng sáng rực giữa ban ngày, khi trời lúc đó vẫn quang tạnh, không hề có mưa gì hết.


Đại sư Geshe Tsultim Gyeltsen, thường được các Phật Tử gọi thân mật là Geshe-la, đã viên tịch tại tu viện Thubten Dhargye Ling Buddhist Center ở Long Beach hôm 13-2-2009 lúc 12:23 PM sau cơn bệnh nhẹ. Ngài ra đi trong khi chư Tăng trong tu viện và cả nhiều ngàn vị từ khắp thế giới thuộc truyền thống Gaden Shartse Monastery hộ niệm, và cầu nguyện cho ngài sớm tái sanh để làm lợi ích cho chúng sanh.


Ngài nguyên là bạn thân của cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân, vị sư Việt Nam đầu tiên hoằng pháp ở Hoa Kỳ và là vị sư từ trước 1975 đã giảng dạy ở các Đại Học  Hoa Kỳ vùng Nam Cali.


Khi ngài Geshe-la viên tịch hôm Thứ Sáu, lúc đó được lệnh từ Đức Đạt Lai Lạt Ma từ Ấn Độ gọi sang rằng lúc đó ngài Geshe-la bắt đầu vào thiền định tịnh quang, cần phải chờ ngài xuất định và sẽ có dấu hiệu cát tường cho biết. Trong suốt ba ngày và ba giờ đồng hồ nằm trong thiền định, cơ thể ngài Geshe-la vẫn ấm và mềm dịu, trong khi chư Tăng ngồi chung quanh thiền định.


Ngay khi có một dấu hiệu cát tường xuất hiện trên khuôn mặt ngài Geshe-la, căn phòng tự nhiên rực sáng với hào quang. Lúc đó là chiều Thứ Hai 16-2-2009, hơn ba ngày sau - nói chính xác, bản tin từ một viên chức ngôi chùa nói là ngài thiền định tịnh quang hậu viên tịch là 3 ngày và 3 giờ đồng hồ. Cùng lúc, nhiều người từ ngoài chạy vào cho biết hào quang bao phủ ngôi chùa, thành hài hình cầu vồng nhiều màu sắc. Các hình ảnh này được nhiều người chụp và quay phim, đang đăng nơi trang web cuả thiền viện : http://www.tdling.org.


Ngài Geshe-la từng được Đức Đạt Lai Lạt Ma trao nhiệm vụ hoằng pháp ở Anh và rồi Hoa Kỳ, và rồi ở nhiều nước Tây Phương. Ngài cũng chính là vị sư Tây Tạng được báo Los Angeles Times và báo O.C. Register nhiều lần tường thuật, đặc biệt là về chuyện ngài đón nhận cậu bé Don Phạm ở Nam Calif. để rồi chuyển vị tu sĩ thiếu niên này sang cho các tu viện của ngài Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ hướng dẫn. Bây giờ, năm 2009, vị tu sĩ thiếu niên Việt Nam đó đã trở thành Đaị Đức Konchok Woser, 23 tuổi, hiện đang tu học ở Institute of Buddhist Dialectics ở Dharamsala.
Ngài Geshe-la sinh năm 1924 tại Kham, một tỉnh Tây Tạng, là một trong vài vị lạt ma từng tu học ở Tây Tạng và mang văn bằng Lharampa Geshe, tương đương Tiến Sĩ Triết Học ở Phật Giaó Tây Tạng.


Ngài Geshe-la xuất gia từ năm 7 tuổi, tới năm 16 tuổi ngài đi chuyến tìm học mất 33 ngày, vượt 21 ngọn đèo trên núi để xin vào một trong ba đại học Phật Giáo lớn của Tây Tạng, nơi đó có tên Gaden Shartse Monastery, nơi ngài ở đây học tới 20 năm, Vào năm 1959, khi Trung Quốc đưa quân vào chiếm Tây Tạng, ngài Geshe-la rời bỏ quê nhà để cùng với Đức Đạt Lai Lạt Ma và hơn 100,000 người Tây Tạng khác lưu vong.


Sau khi làm việc 7 năm với cương vị thầy giáo cho trẻ em Tây Tạng tị nạn ở Anh, ngài Geshe-la tới Los Angeles năm 1976 và từng giữ các công việc tại các đại học USC, UC Santa Barbara, và UCLA nơi ngài Geshe-la dạy thiền định và tiếng Tây Tạng.


Theo thỉnh nguyện của học trò, ngài Geshe-la thành lập Thubten Dhargye Ling, trung tâm nghiên cứu Phật Giáo và văn hóa Tây Tạng từ năm 1978 và ngaì là giáo sư và giám đốc tinh thần nơi này trong hơn 30 năm.


Ngài Geshe Gyeltsen là tác giả các tác phẩm "Compassion: The Key to Great Awakening" (Từ Bi: Chìa Khóa Đại Ngộ), một sách chú giải về các pháp môn "Tám Điểm Luyện Tâm" và "Ba Mươi Bảy Pháp Thực Tập của Bồ Tát," và cuốn "Mirror of Wisdom" (Tấm Gương của Tâm), tập sách bình giảng về giáo lý nhà Phật về sự thật tối hậu.


Ngài Geshe-la mở nhiều trung tâm tu học khác ở Hoa Kỳ, Mexico và Châu Âu.  Nhiều thông tin khác có thể tìm đọc nơi đây: http://www.tdling.org

 

Trở về trang hình ảnh

Trở về trang nhà